Lý do không phải máy bay nào cũng có Wi-Fi?

 Nhiều người thắc mắc tại sao không phải máy bay nào cũng có Wi-Fi, và vì sao phải trả tiền nếu kết nối Internet trên cabin.

Tại Mỹ, dịch vụ truy cập Internet có sẵn trên hầu hết các máy bay và rất dễ dàng để truy cập. Tuy nhiên, tại Việt nam và nhiều nước trên thế giới, điều này không phổ biến. Dưới đây là lý do các hãng hàng không ít cung cấp Wi-Fi trên máy bay, theo Rambler.


Lợi ích khi sử dụng Internet trên máy bay

 Các chuyên gia tin rằng việc truy cập Internet trong chuyến bay sẽ làm giảm triệu chứng aerophobia (sợ máy bay) của nhiều hành khách. Họ cũng cho rằng một chuyến bay dài sẽ trôi qua dễ chịu hơn khi hành khách có thể nhắn tin với bạn bè, xem phim, nghe podcast hoặc vào facebook để tán gẫu. Truy cập Internet rất hữu ích cho những người cần làm việc trong thời gian bay, nhất là các chuyến bay dài. Do đó, nếu phải chọn giữa 2 hãng hàng không, hành khách nhiều khả năng sẽ lựa chọn hãng cung cấp Wi-Fi trên chuyến bay của mình.

Các nguyên nhân khiến wi-fi trên máy bay chưa phổ biến

 1. Trước hết, việc triển khai Wi-Fi trên máy bay rất tốn kém. Máy bay kết nối Internet qua vệ tinh. Do vận tốc máy bay lớn và điểm kết nối mạng liên tục di chuyển, băng thông rất thấp và khó có thể cung cấp Internet tốc độ cao trên cabin. Ngoài ra, chất lượng kết nối bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. Đó là những lý do truy cập Internet trên máy bay là dịch vụ đắt đỏ.

2. Internet miễn phí sẽ không mang lại lợi nhuận cho các hãng hàng không, vì vậy không đơn vị nào muốn bỏ ra chi phí cao để lắp đặt các module Wi-Fi. Ngoài ra, nếu tất cả hành khách kết nối mạng cùng lúc, đường truyền sẽ không ổn định và tắc nghẽn.

Có thể truy cập wi-fi trên máy bay tại Việt Nam không?

Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên cung cấp dịch vụ Wi-Fi trên máy bay từ năm 2019. Dịch vụ Internet OnAir với tốc độ đường truyền 432kbps được hãng hàng không quốc gia triển khai trên 4 máy bay thân rộng hiện đại Airbus A350-900 mang số hiệu VN-A886, VN-A887, VN-A888, VN-A889.

Với mức giá từ 2,95 - 29,95 USD (tương đương từ 75.000 - 735.000 VND), hành khách của Vietnam Airlines có thể lựa chọn giữa các gói cước có thời gian sử dụng và mức dung lượng khác nhau, tối đa lên tới 80MB.

Dịch vụ WiFi trên chuyến bay sẽ hoạt động tối ưu nhất cho việc gửi tin nhắn văn bản trên các ứng dụng phổ biến như Viber, iMessage, Messenger, Whatsapp..., phù hợp với những hành khách có nhu cầu trao đổi thông tin thường xuyên trong quá trình bay. Việc cung cấp dịch vụ là nỗ lực của Vietnam Airlines nhằm đón đầu xu hướng phát triển của hàng không thế giới, khi nhiều hãng bay 5 sao cũng đang triển khai dịch vụ tương tự như Singapore Airlines, Qatar Airways, Cathay Pacific Airways, Lufthansa,...

Danh sách các hãng hàng không phục vụ Wifi miễn phí

1. Air China: Hãng hàng không quốc tế Trung Quốc cung cấp dịch vụ wifi trên máy bay miễn phí phù hợp để kết nối tren laptop hoặc máy tính bảng.

2.  Hongkong Airlines: Trên các máy bay Airbus A330-220 tuyến từ London đi Hong Kong của Hongkong Airlines bạn có thể trải nghiệm internet không dây miễn phí với tốc độ chậm.

3. Japan Airlines: Hầu hết các máy bay nội địa cũng như quốc tế của hãng Japan Airlines đều được trang bị đầy đủ wifi trên ứng dụng JAL Explore Japan Wi-Fi app.

4. JetBlue: Trên các máy bay Airbus 321 và đa số máy bay Airbus 320 của hãng, du khách có thể kết nối WiFi miễn phí một cách giới hạn. Để có thể sử dụng thoải mái, hành khách cần mua gói trả phí giá 9USD/giờ.

5. Norwegian Airlines có kết nối băng thông tốc độ cao miễn phí cho toàn bộ các chuyến bay tại Châu Âu. Dịch vụ được cung cấp trên tất cả máy bay Boeing 737-800 của hãng.

Những hãng hàng không cung cấp dịch vụ wifi có trả phí

Bạn tham khảo danh sách các hãng hàng không cung cấp dịch vụ internet không dây và bảng giá dịch vụ tại đây:

- Aer Lingus: 9,95 USD/giờ. Hạng thương gia được miễn phí.

- American Airlines: 16 USD/ngày và 49,95 USD/tháng đối với các chuyến bay nội địa, 12 USD/hai tiếng, 17 USD/4 tiếng hay 19 USD/chuyến bay đối với các chuyến bay quốc tế.

- Delta Air Lines: 19,95 USD/tiếng cho máy tính xách tay hay máy tính bảng, 39,95 USD/chuyến tính cho một máy tính xách tay hay máy tính bảng, 14,95 USD/tiếng áp dụng với điện thoại, 29,95 USD/ chuyến cho điện thoại.

- Fly Emirates: 10 MB dữ liệu miễn phí, thêm 500 MB phải trả 1 USD trên máy bay Airbus A380.

- Finnair: 5,50 USD/tiếng hoặc 16,50 USD/chuyến bay trên máy bay Airbus A350 (miễn phí đối với hạng thương gia).

- Qatar Airways: Miễn phí trong 15 phút đầu, sau đó phải trả 5 USD/tiếng hay 10 USD/3 tiếng. Trên các chuyến bay dài hơn, hành khách có thể truy cập WiFi trong suốt thời gian bay với khoản phí cố định là 20 USD.

- Southwest Airlines: 8 USD/ngày.

- United Airlines: 3,99 USD đến 15,99 USD/chuyến bay nội địa, tùy thuộc vào chiều dài chuyến bay. Virgin Atlantic: 22,30 USD/chuyến bay.


Nhận xét